Quốc mẫu Đại phi Chiêu_Huệ_vương_hậu

Năm 1469, do người chú là Triều Tiên Duệ Tông qua đời sớm, con trai Tề An đại quân còn quá nhỏ, Từ Thánh Đại phi Doãn thị quyết định lập Giả Sơn quân làm Tự quân, tức Triều Tiên Thành Tông. Nhà vua tấn tôn cha mình làm Đức Tông (德宗), và Túy tần Hàn thị được tấn tôn làm Nhân Túy vương phi (仁粹王妃). Đến năm 1475, ngày 6 tháng 1, Thành Tông cải tôn bà thành Nhân Túy vương đại phi (仁粹王大妃). Vì mất đi phụ thân ngay từ nhỏ, Thành Tông đối với Đại phi muôn phần hiếu thuận.

Nhân Túy đại phi và Kế phi Doãn thị của Thành Tông có mối quan hệ không mấy tốt đẹp. Ngày 1 tháng 6, năm 1479, nhân ngày sinh nhật của Vương phi Doãn thị, nhà vua ghé lại nơi bà ở. Khi cơn ghen tuông lên tới cực điểm, Doãn thị đã vô tình làm Thành Tông bị thương và để lại một vết sẹo trên má ông, mặc dù ông rất cố gắng che giấu, nhưng Đại phi vẫn phát hiện ra và ra lệnh điều tra. Cuối cùng, Đại phi ép buộc nhà vua phế truất Vương phi. Truyền thuyết nói rằng, Thành Tông sau khi phế Doãn thị thường mật sai nội sử quan sát hành vi của bà, vì nhà vua còn rất thương yêu người vợ của mình. Và Đại phi đã sai khiến nội sử bẩm lại rằng Phế phi không hối cải, dẫn đến việc Thành Tông lệnh xử tử Phế phi vào năm 1482. Dù có thật hay do thêu dệt, việc này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc tang thương giữa Đại phi và người cháu nội là phế vương Yên Sơn Quân.

Năm 1494, Thành Tông qua đời, con trưởng là Yên Sơn Quân lên ngôi, tôn Nhân Túy đại phi làm Đại vương đại phi (大王大妃). Năm 1504, sau 10 năm tại ngôi, Yên Sơn Quân biết được vụ án Phế phi mẹ ông năm xưa, đã ra tay giết chết Thành Tông hậu cung là Nghiêm quý nhânTrịnh quý nhân. Sau đó, Yên Sơn Quân trực tiếp đến nội điện của tổ mẫu hỏi rõ sự tình, lời lẽ bất ổn, làm cho Đại vương đại phi vốn mang trọng bệnh trở nên tức giận ngất xỉu.

Một tháng sau, tức ngày 27 tháng 4, Đại vương đại phi Hàn thị qua đời tại Cảnh Xuân điện (景春殿) trong Xương Khánh cung, hưởng thọ 68 tuổi. Bà được an táng tại Kính lăng (敬陵), thụy hiệuChiêu Huệ vương hậu (昭惠王后).